Chất liệu tổng hợp (màu acrylic, tấm nhựa trong). Kích thước thay đổi theo không gian.
Mô tả
Khả thi – Bất khả thi
Cái thật – Cái không thật
Sự tự do – Cuộc sống hàng ngày
Bước vào cuộc triển lãm, người xem có cảm giác như mình vừa bước vào tiểu sử đời của người họa sĩ – Trần Trọng Vũ. Lầu trên tràn ngập hình ảnh cuộc sống của anh ngoài xã hội: những trải nghiệp về trính trị, chiến tranh, cái ngu xuẩn cũng như cái logic, cái vẻ ngoài giả tạo, những nụ cười trống rỗng… mà chính chúng ta cũng có lúc phải diễn để đánh lừa cái thế giới ta đang sống. Màu xanh êm ái làm tê liệt cơ thể, và ta biến mất khỏi thế giới mà không đau đớn gì.
Chẳng phải thiên hạ thường bảo ta rằng, kiểu gì thì tốt nhất ta cũng nên giữ được nụ cười cho thiên hạ vui? Trong phần này, người họa sĩ như muốn nói, trong lúc thiếu cảnh giác, chúng ta đã đánh mất chính mình.
Phía lầu dưới, nơi trưng bày biến thành một phòng chứa của những điều riêng tư nhất, về quá trình lưu lạc tha hương, về chuyến đi với đôi bàn tay trắng, họa sĩ chỉ có mỗi chiếc vali “tưởng tượng”, chứa đầy ký ức gắn liền với bố đẻ của mình, thể hiện qua từng dòng chữ.
Chuyện kể về cuộc sống của người đàn ông độc thân được chia theo ba dạng: Một cuốn sách bị quẳng cho nát, rồi lại được nhặt lên để sửa cho ngay ngắn, với hai mươi mốt trang giấy, dễ đọc và rõ nét. Những trang đó, về sau lại lơ lửng trong khoảng không, ít nhiều gì thì nếu cố gắng vẫn có thể đọc được. Chúng ta từ đó bắt đầu cuộc du hành – với mặt hướng về bầu trời – trong cuốn tiểu thuyết mù mờ này. Và cuối cùng là những trang nhăn nhúm thòi ra ngoài chiếc vali, thể hiện sự biến mất không dấu vết của người đàn ông trắng tay. Ta không biết gì ngoại trừ những cái mà Trọng Vũ tạo ra để cho chúng ta biết, bằng cách trộn lẫn cuộc đời mình với các mẩu báo ngày, làm vang lên hình ảnh chuyến đi xa xứ, lang thang của chính anh. Rồi như một người đàn ông được tái sinh, anh dần dà không đi lạc nữa. Chiếc vali giờ đầy ắp chữ viết. Nhưng những dòng chữ kể lên một câu chuyện quá khổ đau – một lời dẫn trên tờ giấy méo mó…, đọc nó, giống như viết nó, gây ra cảm giác khó chịu. Dù vậy, chuyện vẫn phải được viết để bản thân không bị biến mất, bị lãng quên. Vũ kể câu chuyện theo cách người họa sĩ trong anh muốn kể: dùng sắc màu và hình khối bày tỏ hoàn chỉnh những gì chữ không diễn đạt được.
“Tám tiếng trước, người đàn ông nhận được một cuộc gọi ngắn ngủi. Anh hiểu ra mọi thứ. Anh hiểu rằng tình yêu chỉ là một lời đề nghị viển vông cho mọi thứ bất khả thi. Anh hiểu tình yêu của anh giống như một con cáo mà người đời dùng để giễu cợt trong truyện ngụ ngôn. Buổi tối hôm đó, anh tự nhốt mình trong phòng tắm. Nhìn vào gương, anh trông thấy hai mươi mốt trang sách viết dở dang đang bay bổng. Anh thấy một người đàn ông khóc trong sự khổ đau tột cùng, vỡ mộng bởi một tình yêu không thể có. Anh thấy chính mình ngã khụy xuống sàn nhà lạnh lẽo, nhẹ như một cành cây.”
Tranh của Trọng Vũ như đánh nhau với cuộc sống (trang sách bị vò nát, hoa bị giam trong lồng hoặc treo lơ lửng trước mặt các binh sĩ cầm súng…). Đây là cách anh nhìn thế giới, và anh mời chúng ta vào thế giới ấy: bằng nhiều bức tranh trong suốt, đầy màu sắc, và sống động. Ta tiến đến gần chúng, xem chúng, nhận ra một phần của bản thân mình trong đó. Lúc này thì bẫy sập và ta bị nhốt để nếm trải nỗi đau của con người bị lưu đày, cùng sự hổ thẹn của tác giả khi kể về nỗi đau ấy.
Ra đi mà không mang theo cái gì coi như sẽ không bao giờ có thể đặt hành lý. Đến triển lãm mà mang theo hành lý. Điều ấy vẫn còn có thể sao?
Lời giới thiệu của giám tuyển Sylvie Corroler-Talairach, Pha Lê dịch. Theo SOI.