Mô tả
Trong môi trường không-loài-người này, tất cả mọi thứ – từ tầm vóc mênh mông của không gian trưng bày, sự sắp đặt rời rạc của tác phẩm, tới tính chất tách rời của hình ảnh – đều hướng tới việc khắc hoạ một tương lai hậu-thảm hoạ. Nơi đây chỉ còn mong manh chút vết tích sót lại của loài người. Linh cảm nặng nề về một thiên tai đang chờ chực ập tới được tăng cường thông qua tính đối ngẫu của những cặp phẩm chất trái nghịch: tĩnh lặng và chuyển động; gần gụi và xa cách; câm lặng và nhiễu tạp. Ta đang chứng kiến cái chết của Mẹ Thiên nhiên, hay sự hồi sinh của người? Có phải những kẻ xâm lấn đã bị loại bỏ, và vị thế của Mẹ thiên nhiên đã được phục hồi? Những suy đồi đi kèm với công cuộc công nghiệp hoá – hiện đại hoá, những ưu tiên ngạo mạn của ham muốn và lòng tham của con người, những lụy tàn đầy tính bạo lực của tự nhiên, những sụp đổ không thể vãn hồi của một hệ thống đang trên đà hướng tới cái lý tưởng - những vec-tơ này đan xen chồng chéo khắp không gian của Trong từng hơi thở – Không gì đứng yên. Là kết quả từ quá trình thực địa kéo dài nhiều năm tại tỉnh Hà Nam – quê hương tác giả, bộ tác phẩm này nghiên cứu và tư liệu hoá những mất mát đáng kể về mặt đa dạng sinh học do khai thác tài nguyên thiên nhiên quá độ, kéo theo đó là những hậu quả khôn lường mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu. Ngoài ra, tác phẩm còn đề cập đến những vấn đề vĩ mô hơn – không đơn giản chỉ là một suy tư hay chỉ trích nhắm vào một trạng huống, đây còn là một diễn đạt đầy trữ tình về một hiện tượng toàn cầu, một (phản) địa đàng với bóng đen quái gở lửng lơ trên những giấc mơ và ác mộng, sự tái sinh và tận diệt, quá khứ và tương lai. Chỉnh ở những nút giao này, ta nhận ra rằng nhân loại - với tất cả những toan tính, săm soi, phản tư và thắc mắc của mình – lại đang một lần nữa bị kẹt trong sự hủy diệt của những tạo tác do chính họ làm ra.
Lời giới thiệu của giám tuyển Bill Nguyen.