Lạc chốn




Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.


Ảnh: Nguyễn Dzung, Trần Minh Thái.

Info
YEAR
TECHNIQUES
SIZE
Tùy biến
MEDIUM

Mô tả

Lạc chốn, thế giới điêu khắc của Bùi Công Khánh, nơi chất liệu gỗ mít được thổi bùng lên sức sống. Một boong-ke chạm khắc tinh tế giữ vị trí trung tâm; các cột xà, các tấm trang trí và tứ trụ bao quanh nó gợi lại những cung cách văn hóa và luận đề lịch sử Việt Nam vừa phân tầng vừa đan quyện với nhau. Trải qua hơn hai năm cùng một nhóm các thợ mộc lành nghề và nghệ nhân chạm khắc gỗ từ Hội An, Lạc chốn nâng niu hàng chuỗi những câu chuyện phức tạp vấn quanh Hội An, thành phố cổ ven biển miền trung Việt Nam luôn ngự trị trong tim nghệ sĩ, gắn liền với sự nghiệp cũng như lịch sử gia đình của Bùi Công Khánh.

[...] Lạc chốn giống như một pháo đài. Cấu trúc lấy cảm hứng từ hình ảnh boong-ke này không hoàn chỉnh một cách có chủ ý: mái và tường không nguyên khối, các mảng tường giữa các cột không đồng nhất mà có vẻ ngẫu nhiên. Đắm mình trong cung cách mượn từ kiến trúc truyền thống của hoàng thành Huế, cấu trúc này có tính phòng thủ – nó chỉ có một lối vào, nóc của nó nghiêng đổ xuống đất ở mặt sau. Vật liệu xây dựng chủ đạo của kết cấu là gỗ mít với nhiều tông màu khác nhau do tuổi của cây gỗ: cây trẻ màu sáng và cây già màu sẫm hơn. Trong tác phẩm, Bùi Công Khánh kết hợp điêu khắc lối cổ với các phong cách mới hơn. Anh tháo rời các thành phần cốt yếu cả về kết cấu lẫn trang trí của một căn nhà truyền thống, lắp ghép chúng lại với nhau theo những mục đích sử dụng khác với nguyên gốc. Bên ngoài, bốn tiểu tự tọa lạc trên bốn cột trụ hình vuông canh gác kết cấu; bốn ngôi chùa tí hon gần như bị tiểu cảnh quanh nó bóp nghẹt tượng trưng cho vòng thời gian vốn được bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đánh dấu. Kịch tính nhẹ nhàng trong tác phẩm toát lên từ vẻ hiên ngang của kết cấu trung tâm sẵn sàng bảo vệ trước những hiểm nguy rình rập – thế nhưng những mối nguy này đến từ đâu? Đối với Bùi Công Khánh, pháo đài này đã lạc khỏi bất cứ hiểm nguy xác định nào, đứng sừng sững như một tượng đài cho sự quật cường của Việt Nam, một quốc gia đã bao lần đánh đuổi tham vọng bành trướng của Tàu, Pháp, Nhật, Mỹ. Nhìn kỹ vào pháo đài, người ta có thể thấy những bức vách được trang trí với nhiều loài hoa cỏ và vật thể gợi về những khoảnh khắc xung đột quan trọng trong lịch sử – một chiếc nón bảo hiểm của lính Mỹ, hoa sen, áo khoác quân đội Việt Nam, phượng hoàng, cây rìu, thậm chí lựu đạn (và nhiều vật thể khác). Để hiểu rõ hơn về sự pha trộn đầy ngụ ý của những biểu tượng và cấu trúc ấy, ta phải đi sâu hơn vào lịch sử của Hội An với vị trí đắc địa trên đường bờ biển của nó.

[...] Lạc chốn được thực hiện hoàn toàn với gỗ mít – vật liệu đã mê hoặc Bùi Công Khánh từ lâu bởi ứng dụng linh hoạt của nó trong đời sống gia đình anh. Cha của Bùi Công Khánh là một thợ mộc tài hoa chuyên làm việc với gỗ mít, trong khi mẹ anh rất tài trong việc sáng tạo ra nhiều món ngon từ loại trái cây này – gỏi mít, mít dầm cốt dừa, súp mít. Đây là một loài quả nhiệt đới được người dân Việt Nam xem như món cao lương có thể dùng thô, non, hay nấu chín. Mít vừa sống được ở miền núi ẩm vừa chịu hạn, cho trái quanh năm nên đặc biệt giá trị trong thời gian thiếu thốn.

[...] Lạc chốn là một pháo đài có tường thành được xây đắp từ ký ức chiến tranh, sự trớ trêu của tác phẩm gói trong vòng siết của những tiểu cảnh như thể muốn nuốt chửng bốn vị thần hộ pháp của pháo đài. Dường như trong Lạc chốn, loại hình nghệ thuật cổ xưa này dành được quyền lực mới, khi người ta kẹp, gò, ghép, ép cây để nó lớn theo hình hài mong muốn, chính cái cây quay lại lấn át ý chí xây lắp và khát vọng của con người.

Lạc chốn là cách Bùi Công Khánh thể hiện niềm cảm kích với tổ tiên của anh và sự bền bỉ của Việt Nam suốt chiều dài lịch sử. Tác phẩm bàn đến các thể thức quản lý xã hội, chia sẻ về vị trí tiến thoái lưỡng nan của con người trong cộng đồng thiểu số bị đối xử phân biệt, đồng thời đặt câu hỏi rằng ai hoặc cái gì – nhân tạo hay thiên định – có quyền kiểm soát tự nhiên. Song song, liệu ta có khả năng nhìn nhận lại lịch sử vô tư, không thành kiến? Khi “dời” tác phẩm khỏi bất cứ mối đe dọa cụ thể nào, Bùi Công Khánh cho khán giả một không gian an toàn để dừng lại, suy ngẫm về những định kiến xã hội ta vô thức đem theo hàng ngày, để chính chúng ta “lạc chốn” khỏi cuộc sống mặc định và có khả năng tái tạo một thực tại uy nghi hơn.

Lời giới thiệu của giám tuyển Zoe Butt cho triển lãm Lạc chốn, The Factory Contemporary Arts Center, 2016.