Ý tưởng
Sotto in Sù, hay “từ dưới lên trên”, là một dạng tranh tường châu Âu sử dụng các hiệu ứng quang học khác nhau để tạo ra các khe hở trên tường thông qua ảo giác kiến trúc. Trong tác phẩm này, tôi sử dụng tranh sơn mài Việt Nam dưới dạng một bích họa trần nhà để tạo ra ảo giác về chiều sâu không gian. Thay vì mở ra bầu trời bằng hiệu ứng trompe l’oeil như trong các bức bích họa Baroque, tác phẩm này mở cái nhìn vào thế giới năm 2015 và những giới hạn của bầu trời của chúng ta.
Bức bích họa trần nhà phải được nhìn “từ dưới nhìn lên trên”, tương tự như cách chúng ta nhìn lên bầu trời đêm để quan sát vũ trụ, nhưng những gì chúng ta thấy là hình ảnh phản chiếu của nó nhìn xuống từ không gian bên ngoài. Chỉ gần đây thông qua hình ảnh vệ tinh, chúng ta mới có được loại siêu cảnh này, một hình ảnh tái hiện từ xa của một quang cảnh có vẻ chính xác về mặt đất bên dưới. Trong bức tranh này, tôi sử dụng một hình ảnh vệ tinh tĩnh chụp một góc của hành tinh để tạo ra Mapa Mundi (bản đồ thế giới thời trung cổ Châu Âu) bằng chất liệu địa phương.
Việc sử dụng sơn mài Việt Nam có liên quan đến ý tưởng này. Là một phương tiện cổ xưa, sơn mài đã được tái phát minh như một chất liệu hội họa trong thế kỷ 20. Tôi quan tâm đến việc khám phá một bộ từ vựng đương đại cho chất liệu này và cách các phẩm chất mang tính vật chất của nó đối đầu với hình ảnh kỹ thuật số phổ biến xung quanh chúng ta. Độ sâu của màu và sự biến đổi liên tục của ánh sáng trên hình ảnh sơn mài đòi hỏi một sự tập trung khác và tôn lên trải nghiệm thị giác.